An ninh trật tự

Hành trình tầm nã và những phận người ẩn sau những tên tội phạm trốn nã

08:27, 07/07/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Vừa trở về sau hành trình dài hơn một tháng tầm nã với vô vàn gian khó, để truy lùng và bắt thành công 6 đối tượng có lệnh truy nã nguy hiểm, tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An đã có mặt trên khắp “hang cùng, ngõ hẻm” của các tỉnh, thành phía Nam. Tiếp xúc trực tiếp với các đồng chí trong tổ công tác đặc biệt cũng như những đối tượng vừa bị bắt giữ, tôi lại càng cảm phục hơn sự hy sinh, những gian lao, vất vả của các CBCS Công an.
 
May mắn hơn, tôi còn được chứng kiến những mảnh đời lầm lỗi qua lời kể của chính những kẻ phạm tội và cảm nhận được sự ân hận, xót xa trong suốt quá trình trốn nã cũng như nỗi niềm mừng tủi trong phút giây ngắn ngủi gặp lại người thân của các đối tượng trốn truy nã. 
 
Bài 1: Tội phạm có lệnh truy nã nguy hiểm trở thành Trưởng phòng Đào tạo
 
Người đầu tiên gây ấn tượng mạnh nhất với tôi trong 6 đối tượng truy nã bị phát hiện, bắt giữ trong đợt này là Lê Văn Nam (SN 1969) trú tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. Nam từng là niềm tự hào của gia đình, họ hàng và còn nhận được sự khâm phục của biết bao bạn bè đồng trang lứa, khi từ một cậu bé mồ côi mẹ, đã biết vượt qua khó khăn để trở thành sinh viên của một trường đại học, rồi một người thầy đứng trên bục giảng. Nhưng vì không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống, Nam sớm sa chân vào vũng lầy của tội lỗi.
Lực lượng chức năng dẫn giải Lê Văn Nam (x) trở về quy án sau 22 năm trốn truy nã
Lực lượng chức năng dẫn giải Lê Văn Nam (x) trở về quy án sau 22 năm trốn truy nã
Suốt thời gian dài, băng nhóm trộm cắp gồm 18 đối tượng trong đó có Nam đã gây ra 29 vụ phạm tội gây hoang mang dư luận. Trong lúc đồng phạm của gã lần lượt sa lưới thì gã nhanh chân lẩn trốn vào các tỉnh phía Nam. Đã từng là một thầy giáo giỏi nên gã nhanh chóng xin được việc làm tại một trường mầm non. 22 năm trốn nã, Nam đã thay tên đổi họ, năm sinh, quê quán và miệt mài phấn đấu để lên được chức Trưởng phòng Đào tạo.
 
Từ cậu bé mồ côi nghèo học giỏi
 
Mặc dù vừa vượt qua một chặng đường dài từ Bình Phước trở về quê sau 22 năm trốn nã trong vỏ bọc là một cán bộ quản lý giáo dục, Lê Văn Nam vẫn tỏ ra khá thoải mái khi làm việc với cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Nghệ An. Tiếp xúc với chúng tôi, gã chia sẻ: Đứng trên bục giảng, từng dạy cho bao thế hệ học sinh nhưng mỗi lần nghĩ đến quá khứ, trong lòng lại dấy lên sự hổ thẹn. Nhiều lần gã muốn về để trả nợ tội lỗi thời trẻ nhưng danh dự, địa vị rồi hoàn cảnh gia đình khiến gã không đủ dũng khí quay về đầu thú. Suốt cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng, Nam đưa đôi tay đã bị còng lên vuốt những cọng tóc đang xoà xuống khuôn mặt. Giọng gã “lúc trầm, lúc bổng” và dường như không hề né tránh các câu hỏi của cán bộ Công an, thế nhưng, tôi vẫn thấy gờn gợn cảm giác gã đang “lươn lẹo” trong lời khai về quá trình trốn chạy của mình. 
 
Gã bảo, nhà gã có 5 anh em. Mẹ mất sớm, bố một mình nuôi 5 đứa con nheo nhóc, vậy nên, đoạn tang vợ được ít lâu thì ông đi thêm bước nữa. Lúc đó Nam mới chừng 5 tuổi nên được bố gửi về sống cùng ông bà ngoại. Thương con gái bạc phận và đứa cháu nhỏ sớm mồ côi mẹ, ông bà ngoại hết sức yêu thương, chiều chuộng Nam, những mong bù đắp phần nào những thiệt thòi. Được sự chăm sóc, dạy dỗ của ông bà ngoại, Nam đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn và học rất giỏi. Năm 1988, Nam thi đỗ vào Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
 
Thời đó, cậu bé mồ côi là niềm ngưỡng mộ của không ít gia đình ở thôn quê này. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, Nam được bố trí công tác tại một trường gần nhà. Những tưởng với công việc ổn định, Nam sẽ cố gắng phấn đấu tu dưỡng để đền đáp công ơn dưỡng dục của ông bà ngoại. Thế nhưng, những giây phút nông nổi của tuổi trẻ đã khiến Nam phải bỏ quê, bỏ nghề và bỏ ông bà ngoại đang dần “xế bóng” để đi biệt xứ. 
Đến hành trình trốn nã 22 năm trong vỏ bọc cán bộ quản lý giáo dục.
 
Gã kể lại nguồn cơn của việc mình trốn nã trong suốt 22 năm qua với vẻ ân hận, tiếc nuối, xuất phát từ những bồng bột của thời trai trẻ. Dù đã có công việc ổn định nhưng đồng lương của giáo viên mới vào nghề dường như vẫn không đủ để phục vụ nhu cầu chi tiêu của bản thân. Thêm nữa, bị bạn bè xấu xung quanh rủ rê, lôi kéo, Nam nhanh chóng gia nhập băng nhóm trộm cắp gồm 18 đối tượng. Thời điểm đó, ít ai có thể ngờ rằng, người thầy giáo với dáng vẻ đạo mạo ấy, sau giờ đứng lớp lại là một đối tượng trong băng nhóm khét tiếng về trộm cắp tài sản, gây hoang mang dư luận một thời.
 
Sau khi các đối tượng bị bắt, chúng khai nhận đã gây ra 29 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn. Bị cơ quan điều tra phát hiện và truy bắt, trong khi đồng phạm của gã lần lượt sa lưới pháp luật thì gã đã nhanh chân tẩu thoát. Gã cho biết: Ban đầu, gã trốn vào Củ Chi, một huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh. Sau đó, vì sợ bị lộ nên gã tiếp tục lần sang Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Sau hơn một tháng lẩn trốn, hay tin bị truy nã, gã liền thay đổi năm sinh và quê quán.
 
Theo đó, gã khai mình sinh năm 1970, trú tại TP Vinh. Rồi bằng cách nào đó, Nam xin được vào làm giáo viên hợp đồng tại một trường ở Sông Bé. 4 năm sau, gã bén duyên với một cô gái bản xứ. Vợ gã cũng là giáo viên của một trường cao đẳng đóng trên địa bàn, nảy sinh tình cảm với gã vì cảm mến chàng trai xứ Nghệ giỏi giang, lại hiền lành chân chất mà không hề hay biết về quá khứ của chồng. Gã bảo, quá trình chung sống, gã cũng chỉ nói mình mồ côi mẹ, sống với ông bà ngoại từ nhỏ chứ không dám hé lộ quá khứ tày trời ấy. Cũng chính vì sợ bị vợ, con phát hiện mà trong suốt ngần ấy năm trốn nã, gã chưa một lần dám về thăm quê. 
 
Khi nói về thành tích trong công tác, giọng gã có vẻ tự hào. “Sau một thời gian công tác, nhờ có thành tích là giáo viên dạy giỏi tỉnh và có học sinh đạt giải Quốc gia nên năm 1997, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước điều về công tác tại Trường Trung học Sư phạm Bình Phước. Tại đây, tôi vừa là giáo viên, vừa là cán bộ Phòng Đào tạo. Sau một thời gian, tôi được giao quyền Phó phòng Đào tạo rồi nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ Phó phòng Đào tạo của Trường. Năm 2003, huyện Bù Đăng thành lập thêm trường mới, tôi được chuyển về làm giáo viên tại đây. Với kinh nghiệm trong công tác, tôi nhanh chóng được điều về làm Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh”. Gã còn tự hào khoe: “Trong hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, do có nhiều thành tích nên nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Bình Phước và Sở GD&ĐT của tỉnh”. 
 
Khi hỏi về gia đình, giọng Nam có vẻ chùng xuống. Gã nói: “Ân hận lớn nhất là làm liên luỵ đến vợ, con”. Nam cũng cho biết: Vợ chồng gã có một đứa con trai, năm nay cũng đã bước sang tuổi 18. Hồi mới có con, vợ Nam ngỏ ý muốn đưa con về thăm quê để biết nguồn cội. Gã nhanh chóng lãng đi: “Anh mồ côi mẹ từ bé, bố anh lấy vợ khác, giờ cũng không biết ở đâu. Ông bà ngoại thì cũng đã qua đời. Anh làm gì còn quê nữa mà về”. Vì sợ nhắc lại quá khứ sẽ làm Nam tổn thương nên kể từ đó, vợ Nam cũng không hỏi nữa. Gã nói, 22 năm trốn nã là chừng ấy năm, gã muốn xoá sạch quá khứ. Nhưng những việc làm tội lỗi vẫn ám ảnh gã từng đêm, nhất là những lúc gã đứng trên bục giảng, dạy học trò về điều hay lẽ phải. “Nhiều khi tự vấn lương tâm, tôi thấy hổ thẹn vô cùng, nhưng vì tiếc những gì đang có, tôi sợ danh dự của gia đình, của vợ con, của ngành giáo dục bị chính bản thân mình bôi xấu nên không dám tự thú”.
 
 Tuy nhiên, theo nguồn tin từ cơ quan chức năng thì sự thật không như gã nói. Sau khi phát hiện các đồng phạm lần lượt sa lưới, Nam nhanh chân tẩu thoát. Khi biết mình bị phát lệnh truy nã, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, gã sửa năm sinh, quê quán trong các bản khai lý lịch. Rồi trong suốt 22 năm, gã trốn nã, sống trong vỏ bọc của một cán bộ ngành giáo dục với chức vụ cao nhất là Trưởng phòng Đào tạo của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
 
Nhưng khi đang là trưởng phòng, do tật “táy máy” cố hữu, gã bị giáng cấp xuống làm phó phòng. Bởi vậy, suốt hơn 22 năm qua, việc truy tìm tên tội phạm nguy hiểm Lê Văn Nam như mò kim đáy bể. Nhưng “cái kim trong bọc cuối cùng cũng lòi ra”, khi trong suốt nhiều năm liền, lực lượng làm công tác truy nã tội phạm đã không ngừng lần tìm từng manh mối, dù là nhỏ nhất liên quan đến đối tượng này. Thực hiện kế hoạch truy bắt các đối tượng truy nã nguy hiểm ở các tỉnh phía Nam, hơn một tháng trước, tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Nghệ An sau khi được thành lập đã nhanh chóng lên đường.
 
Trải qua vô vàn khó khăn, các cán bộ truy nã mới lần ra được dấu vết của đối tượng có lệnh truy nã nguy hiểm Lê Văn Nam. Tuy nhiên, khi đối mặt với đại diện cơ quan chức năng, trước mặt vợ con, đồng nghiệp cũng như đại diện chính quyền địa phương, gã vẫn tỏ ra bình tĩnh và một mực khăng khăng là: Có sự nhầm lẫn nào đó, bởi gã sinh năm 1970, quê ở TP Vinh chứ không phải là Lê Văn Nam sinh năm 1969, quê ở Nam Đàn như trong lệnh truy nã. Chỉ đến khi tổ công tác đặc biệt đưa ra các bằng chứng xác thực, gã mới chịu cúi đầu thừa nhận quá khứ tội lỗi của mình và tra tay vào còng trước sự kinh ngạc của mọi người. 

Hải Việt

Các tin khác