An ninh trật tự
Khởi tố chủ hụi trong trong vụ vỡ nợ gần 24 tỉ đồng
08:19, 14/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương vừa điều tra, làm rõ và bắt Nguyễn Thị Loan (SN 1975) trú tại xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, đơn vị nhận được đơn tố cáo của 31 hộ dân trên địa bàn với nội dung bị đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 23,991 tỉ đồng.
31 hộ dân bị lừa đảo chiếm đoạt gần 24 tỉ đồng
Trong những ngày giáp Tết Ất Mùi vừa qua, trên địa bàn huyện Đô Lương đã xảy ra vụ vỡ “hụi” lớn, gây xôn xao dư luận. Theo đó, hàng chục hộ nghèo bị cuốn vào vòng xoáy vỡ nợ theo “chủ hụi”. Nhiều gia đình nông dân quanh năm chân lấm tay bùn bỗng lâm vào cảnh quẫn bách khi qua một đêm, toàn bộ gia sản đã tan tành theo mây khói, để lại số nợ ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Khi hay tin “chủ hụi” Nguyễn Thị Loan bị vỡ nợ, hàng chục hộ dân đã đến vây quanh ngôi nhà thị Loan đang ở. Nhưng họ đành chấp nhận ra về tay trắng khi phát hiện trong nhà thị không có tài sản gì đáng giá ngoài căn nhà cấp 4 như bao ngôi nhà khác ở vùng quê nghèo này. Cực chẳng đã, họ viết đơn trình báo lên cơ quan chức năng.
Đối tượng Nguyễn Thị Loan |
Theo đó, trong tháng 12/2014, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương liên tục nhận được đơn trình báo của 31 hộ dân sống trên địa bàn, đồng loạt tố cáo thị Loan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra bước đầu cho thấy, từ cuối năm 2013 đến khoảng tháng 10/2014, Loan đã vay tiền của 31 hộ dân với tổng số tiền lên đến 23 tỉ 991 triệu đồng. Trong đó, người ít nhất là 5 triệu đồng và nhiều nhất là gần 7 tỉ đồng. Điều đặc biệt là, mặc dù đem cả gia sản mà mình có được cho Loan vay nhưng họ chỉ nhận được tờ giấy xác nhận do thị tự đánh máy, trên đó ghi mỗi họ tên người vay, số tiền được cho vay cùng chữ ký của người vay tiền và người cho vay mà không hề có chứng thực của chính quyền địa phương hay người làm chứng nào khác. Hàng chục hộ dân đã đem toàn bộ gia sản đặt vào tay thị Loan một cách quá dễ dàng. Thậm chí nhiều người còn “cắm” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi đi vay nặng lãi để cho thị vay, để rồi khi hay tin Loan vỡ nợ, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khốn cùng, thậm chí ly tán.
Bóc mẽ chiêu lừa của chủ hụi
Ôm “hụi” rồi vỡ “hụi” không phải là câu chuyện mới xảy ra tại Nghệ An cũng như trên cả nước. Tuy nhiên, điều khiến mọi người hết sức băn khoăn là tại sao một người phụ nữ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở một vùng quê nghèo lại có thể huy động một số tiền lớn đến vậy từ người dân. Phải chăng, thị có “chiêu trò” đặc biệt khiến các bị hại phải tự nguyện đem tiền đến “dâng” cho thị một cách dễ dàng?!
Sau khi bị bắt, tại cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương, Nguyễn Thị Loan khai nhận, thị chỉ là một nông dân bình thường, có hai đứa con ngoan, chồng làm lái xe. Cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua nếu không có lần thị bị cuốn vào “cơn lốc” phường hụi đổ bộ về miền quê nơi thị sinh sống. Không cưỡng lại được sự cám dỗ, thị nhanh chóng tham gia phường hụi. Từ một người chơi, Loan nhanh chóng trở thành chủ của nhiều phường hụi khác nhau trên địa bàn. Nhưng khốn nỗi, số tiền ít ỏi mà người chồng đưa về cùng với thu nhập từ chăn nuôi, làm ruộng vườn tích góp được lại không đủ để thị tham gia vào những phường hụi lớn.
Thị liền mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, thậm chí của cả những người thân hai bên gia đình nội ngoại đem thế chấp ngân hàng để lấy tiền chơi phường hụi. Thấy thị Loan bỗng chốc trở nên khấm khá nhờ chơi phường hụi, một số người cũng bị cuốn theo “vòng xoáy” đó. Lợi dụng sự quen biết nhờ việc làm chủ phường, thị đã khéo léo vận động mọi người đem tiền cho thị vay với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Lấy lý do vay để đảo khế ngân hàng, mua sắm phương tiện kinh doanh…, Loan đã huy động vốn của người dân với lãi suất từ 2.000.000 - 12.000.000 đồng/ngày.
Mặt khác, để lấy lòng tin của bị hại, mỗi lần ký giấy vay tiền, sau khi nhận được số tiền cho vay, thị Loan “hào phóng” trả luôn tiền lãi suất của cả tháng. Vì hám lợi, nhiều người đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm được gửi ở Ngân hàng về đem cho thị vay. Không những thế, một số người vì mù quáng còn đem cả GCNQSDĐ của gia đình đi “cắm”, thậm chí là đi vay nặng lãi lấy tiền về đem “dâng” cho thị Loan. Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị Q., thủ quỹ của UBND xã Tân Sơn đã tin tưởng cho thị Loan vay số tiền 1 tỉ đồng mà không viết giấy vay nợ.
Một số tang vật tại cơ quan điều tra |
Hay như chị Thái Thị L. (SN 1973) trú cùng xóm đã hơn 20 lần cho thị Loan vay tổng cộng số tiền 6,6 tỉ đồng. Cũng vì hám lợi, N.T.T.H., một cán bộ ngân hàng Phủ Diễn, huyện Diễn Châu cũng đã huy động tiền của một số cá nhân khác rồi đem cho Loan vay nhiều lần với số tiền tổng cộng lên đến 6,67 tỉ đồng, lãi suất từ 4,5 - 6%/tháng. Số tiền này được Loan khai nhận là đã cho vay lại với mức lãi suất từ 12 - 21%/tháng.
Ngoài việc vay tiền của 31 hộ dân nói trên, Loan còn nợ tiền phường của 36 hộ khác với tổng số tiền 3,066 tỉ đồng. Hiện tại, thị Loan không chứng minh được, số tiền đã vay của các cá nhân nói trên đã sử dụng vào mục đích gì và thị cũng không có khả năng trả nợ.
Được biết, sau khi điều tra, làm rõ, ngày 7/4, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Loan để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Hiện, đơn vị đang chuẩn bị hoàn tất hồ sơ, chuyển giao cho Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra các hành vi sai phạm của các cá nhân có liên quan. Vụ án gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua tại vùng quê nghèo Đô Lương rồi cũng sẽ khép lại. Kẻ gây án sẽ phải trả giá trước pháp luật nhưng hậu quả của nó thì còn kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn. Mong rằng đây chính là bài học đắt giá cho mọi người, đừng vì chút lợi trước mắt để rồi phải trả giá đắt.
Hải Việt