An ninh trật tự
Chiêu bài lừa đảo mạo danh cán bộ Thanh tra Chính phủ
08:58, 26/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trình độ văn hóa 10/12, nhưng với tài ăn nói giảo hoạt, từ cuối năm 2011 đến tháng 3/2014, “cặp đôi” bất hảo Ngô Thu Lý và Giáp Văn Trung, đều trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã mạo danh là cán bộ Thanh tra Chính phủ, sử dụng các loại giấy tờ giả rồi vào Nghệ An lừa đảo hàng chục người dân “chân lấm tay bùn” làm thủ tục đi xuất khẩu lao động để chiếm đoạt hàng trăm nghìn USD và gần 2 tỉ đồng tiền mặt rồi “cao chạy xa bay”.
Từ các phi vụ lừa đảo xuất khẩu lao động
Ngô Thu Lý (SN 1983) trú tại thôn Lý, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy chỉ mới học hết lớp 10 nhưng vì thông thạo tiếng Trung nên năm 2011, thị cùng chồng rời quê xuống Hà Nội thuê phòng trọ để làm phiên dịch tự do. Tại đây, Lý kết thân với Giáp Văn Trung (SN 1978) trú cùng huyện.
Đối tượng Giáp Văn Trung và Ngô Thu Lý |
Biết Trung đang làm thuê cho Công ty AnPa - Hà Nội tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thi công, lắp ráp cửa cho khách sạn Mường Thanh. Và Diễn Châu là một trong những địa phương có số lượng lớn người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên Lý gặp Trung rỉ tai: “Em có người nhận bảo lãnh đưa người sang Canada và Hàn Quốc làm việc, nếu ta tìm được một người thì sẽ được hưởng từ 300 - 500 USD”. Lý còn bảo Trung, người muốn đi lao động tại Hàn Quốc phải thu đủ 5.000 USD, còn đi Canada thì thu 7.000 USD.
Tại huyện Diễn Châu, Trung làm quen với Chu Ngọc Lâm trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, rồi nói với Lâm về việc tuyển người đi lao động tại Hàn Quốc, lệ phí 10.000 USD, trước mắt phải nộp cho Trung 7.000 USD. Còn đi Canada thì mất 11.000 USD, nộp trước cho Trung 9.000 USD, phần còn lại thì các lao động phải nộp đủ trước khi xuất cảnh và nếu tìm được người thì sẽ được hưởng “hoa hồng”. Lâm nhận lời.
Lập tức, Trung đưa cho Lâm các loại hồ sơ, giấy tờ như phiếu thu, bản hợp đồng lao động, thông báo tuyển lao động, tất cả đều in chữ Việt Nam, nhưng chữ ký, đóng dấu là của Bộ Lao động Hàn Quốc, Canada, Tập đoàn điện tử Samsung - Hàn Quốc, Công ty Cổ phần nhân lực và thương mại Phương Đông - Cannada và một số giấy tờ khác để Lâm đi tìm người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Để lấy lòng tin, Trung cho Lâm gặp Ngô Thị Lý và giới thiệu Lý là cán bộ Thanh tra Chính phủ, mặc dù Trung biết rõ Lý chỉ là người làm nghề phiên dịch tự do. Trở về địa phương, Lâm dùng các loại giấy tờ trên tìm gặp các gia đình có nhu cầu xuất khẩu lao động để “quảng bá” và tiến hành làm các thủ tục.
Vì tin Lý nên Lâm hứa với những người lao động là 3 tháng sau kể từ ngày nộp tiền, những người lao động sẽ được xuất cảnh. Do nhẹ dạ cả tin, hàng chục người dân “chân lấm tay bùn” ở các xã của huyện Yên Thành và một số người ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu đã chấp nhận bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhờ Lâm làm thủ tục đi xuất khẩu lao động càng sớm càng tốt. Tổng cộng số tiền mà các bị hại nộp cho Lâm là 309.700 USD và trên 800 triệu đồng tiền mặt.
Nhưng khi đến hẹn thì Lý, Trung lại đưa các thông báo cho Lâm về việc lịch bay bị hoãn với nhiều lý do như người lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn, do máy bay Malaysia mất tích…, các thông báo trên đều có chữ ký, con dấu của nước ngoài. Vì tin lời Lý và Trung nên Lâm đã đưa các thông báo trên cho các bị hại. Với thủ đoạn này, Lý và Trung buộc người lao động phải chờ đợi hòng chiếm đoạt số tiền nói trên. Tuy nhiên, trước sức ép của người lao động, Lâm yêu cầu Trung và Lý phải đứng ra giải quyết hoặc phải có người của công ty ở nước ngoài về giải thích với người lao động.
Ngày 22/9/2013, Lý bảo Trung rủ thêm hai người bạn về huyện Yên Thành “trấn an” người lao động để họ tiếp tục chờ đợi. Bàn bạc xong xuôi, Lý, Trung và Lâm tổ chức một cuộc họp tại UBND xã Tiến Thành, huyện Yên Thành với sự có mặt đầy đủ của các bị hại. Tại cuộc họp, Trung giới thiệu với mọi người, Lý là cán bộ Thanh tra Chính phủ, còn hai người bạn của Trung đang làm tại Công ty Samsung và là cán bộ của Bộ Ngoại giao. Tại đây, Lý đưa ra một bản thông báo đề ngày 12/9/2013, theo lời Lý là từ nước ngoài gửi về, nội dung thông báo về lịch bay là vào ngày 20/11/2013. Trong thời gian chờ đợi, người lao động sẽ được trả 70% lương. Lý đưa cho Trung bản thông báo này để đọc cho mọi người nghe. Để lấy lòng tin của bị hại, sau cuộc họp trên, Lý đưa cho Lâm 2.000 USD và 130 triệu đồng cộng với số tiền Lâm giữ lại để trả “tiền lương” cho người lao động.
Sau cuộc họp trên, người lao động lại bị “sập bẫy” nên tiếp tục chờ đợi. Đến ngày hẹn, Lý và Trung lại đưa ra thông báo tiếp tục hoãn chuyến bay với nhiều lý do, đồng thời gửi thông báo của các công ty ở nước ngoài về, yêu cầu người lao động nộp thêm tiền “chống trốn” thì mới được xuất cảnh vào ngày 6/3/2014. Có một số người đã nộp tiền “chống trốn” nhưng đến ngày trên thì Lý lại đưa ra thông báo hoãn lịch bay và yêu cầu ngày 28/3/2014, các lao động phải đến học định hướng trước khi xuất cảnh tại trường 10 Bộ Quốc phòng, địa chỉ 101 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thấy sự việc trên có dấu hiệu bất minh nên một số người đã làm đơn gửi Công an huyện Yên Thành, tố cáo hành vi của Lý và Trung. Sau khi làm rõ hành vi của các đối tượng, từ tháng 3 - 5/2015, Lý và Trung lần lượt bị Công an Nghệ An bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, Công an Nghệ An làm rõ, Trung còn sử dụng các giấy tờ do Lý cung cấp để trực tiếp “tuyển” thêm được 7 người lao động ở các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Bắc Giang với tổng số tiền thu được là 19.500 USD và 372 triệu đồng tiền mặt. Tổng cộng hai khoản Trung nhận của Lâm và Trung trực tiếp thu là 311.500 USD và 490.580.000 đồng tiền mặt. Số tiền trên, Trung chỉ chuyển cho Lý 281.000 USD và 119 triệu đồng tiền mặt. Trung giữ lại 30.500 USD và 372.580.000 đồng để chi tiêu cá nhân. Quá trình giao nhận tiền hầu hết đều có sự có mặt của Lâm, Trung, Lý và có ký nhận việc giao nhận tiền trong một cuốn sổ của Lâm.
Nhưng cuốn sổ ghi nhận tiền sau đó được Lý mượn lại, với lý do: “Nộp cho các công ty nước ngoài để đối chiếu, kiểm tra”, vì tin Lý nên Lâm đã đưa cuốn sổ cho Lý, nhưng sau đó Lý không trả lại. Khi cơ quan Công an đề cập đến các hành vi lừa đảo của thị Lý thì thị chối tội, không nhận các khoản tiền mà Lâm giao cho mình. Nhưng với những tài liệu thu thập được, cộng với lời khai của Trung và Lâm, cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã bác bỏ lời chối tội của Lý và khẳng định rằng, lý do mà thị đưa ra không nằm ngoài mục đích trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.
Đến các vụ lừa đảo đi du học ở Mỹ và biên chế công chức Nhà nước
Trong quá trình điều tra, ngoài làm rõ hành vi lừa đảo trong xuất khẩu lao động, cơ quan CSĐT Công an Nghệ An còn phát hiện, Lý đã lừa đảo nhiều trường hợp khác liên quan đến “chạy” việc làm, biên chế vào cơ quan Nhà nước và đi du học ở nước ngoài. Lý thừa nhận đã nói với Trung và Lâm rằng: “Mình có một số chỉ tiêu vào công chức Nhà nước và một số suất đi du học ở Đức và Mỹ, nếu anh em họ hàng của Lâm và Trung ai có nhu cầu thì Lý sẽ giúp đỡ”.
Tin lời Lý, Lâm đã liên hệ với 4 người, gồm: Ông Võ Văn Tâm trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu muốn xin cho con gái Võ Thị Khánh Huyền vào làm việc trong ngành thuế ở Hà Nội; ông Nguyễn Phi Đường trú tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu có con gái Nguyễn Thị Lương đang làm giáo viên hợp đồng muốn “chạy” vào biên chế Nhà nước; ông Hà Văn Đại trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xin cho cháu là Lê Văn Dũng đi du học ở Đức; ông Huỳnh Huy Thanh trú tại Ý Yên, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, xin cho cháu Hoàng Thị Mỹ Nhung đi du học ở Mỹ. Sau đó, Lâm hỏi Lý và Trung liệu có thể giúp được 4 trường hợp nói trên, nếu được thì Lâm sẽ nhận tiền. Được Lý nhận lời nên Lâm đã thu 7.700 USD và 517 triệu đồng tiền mặt của 4 người nói trên.
Trung khai đã nhận hết số tiền trên đưa cho Lý và được Lý ký vào sổ gốc của Lâm. Sau đó, Lý đưa ra lý do để mượn cuốn sổ nhưng không trả lại. Một thời gian sau, chị Huyên, chị Nhung và anh Dũng được Lý mời ra Hà Nội để trao đổi cụ thể, còn chị Lương là người nhà của Lâm được Lý đến tận nhà “làm việc”. Lý cho 4 người ký vào các hợp đồng và thị cam kết, sau 3 tháng kể từ ngày nhận tiền sẽ có kết quả.
Một thời gian sau, Lý gửi cho chị Huyền một bản photocopy giấy báo trúng tuyển công chức của Tổng cục Thuế năm 2012 và một bản photocopy đóng dấu y sao bản chính “Quyết định về việc hợp đồng làm việc lần đầu đối với viên chức”, cả 2 văn bản trên đều có dấu, ký tên của Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội. Còn chị Lương cũng được Lý gửi cho một bản photocopy đóng dấu y sao bản chính “Quyết định về việc hợp đồng làm việc lần đầu đối với viên chức”, có ký tên và đóng dấu của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lý nói với chị Huyền và chị Lương chờ thêm thời gian nữa, các cơ quan trên sẽ gọi hai người đến làm việc, nhưng 2 chị chờ “dài cổ” mà không có kết quả. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Cục Thuế Hà Nội và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế và được các cơ quan trên trả lời bằng văn bản về việc không ban hành các văn bản nói trên.
Trong thời gian chờ đợi nhưng không có kết quả, các gia đình trên đã gặp Lâm để đòi lại tiền. Lâm đã dùng khoản tiền Lý đưa cho, cộng với bán vàng và vay mượn ngân hàng để trả cho gia đình người thân của mình, gồm 5.000 USD cho anh Dũng và trả cho gia đình chị Lương 60 triệu đồng tiền mặt, còn lại một số gia đình khác do chưa được trả lại tiền hoặc trả lại chưa đủ nên đã làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan điều tra.
Tại cơ quan Công an, Lý khai rằng, thị không liên quan gì đến việc “chạy”việc, xin visa du học cho 4 người trên và cũng không thừa nhận việc đã nhận số tiền 12.700 USD và 190 triệu đồng tiền mặt của Lâm. Nhưng theo tài liệu điều tra và lời khai của các bị hại, lời khai của Lâm và Trung, cơ quan điều tra đã bác bỏ lời khai trên của Lý, đồng thời kết luận, Lý đã nhận của Trung tất cả các khoản tiền chiếm đoạt được từ việc lừa đảo các bị hại đi xuất khẩu lao động, xin việc làm, xin du học với tổng số tiền 293.700 USD và 309 triệu đồng tiền mặt.
Sau đó, Lý lấy thêm của Lâm 150 triệu đồng, nói là để “chạy” thủ tục ngân hàng, xin giải ngân sớm, lấy tiền cho lao động vay vốn, nhưng không có kết quả gì và chưa trả lại cho Lâm. Đến tháng 3/2014, khi các bị hại là người lao động bị lừa đảo đòi lại tiền ráo riết, Lý có trả cho Lâm 2.000 USD và 130 triệu đồng tiền mặt để trả cho các lao động. Sau khi Lý bị bắt đã nộp 150 triệu đồng. Cộng trừ các khoản trên, kết luận hiện tại, Lý còn chiếm đoạt 271.700 USD và 179 triệu đồng tiền mặt.
Còn Chu Ngọc Lâm đã thu của những người bị hại xin đi xuất khẩu lao động, xin việc làm, đi du học với tổng số tiền 317.400 USD và hơn 1.322 triệu đồng; Lâm đã chuyển cho Trung số tiền 304.700 USD và 309 triệu đồng, còn lại Lâm giữ 12.700 USD và 1.013.300.000 đồng. Trong vụ án này, có 48 bị hại với tổng số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt là 336.900 USD và 1.694.880.000 đồng.
Tại cơ quan điều tra, Lý đã giao nộp 150 triệu đồng, cơ quan điều tra cũng buộc Lý phải hoàn trả cho các bị hại số tiền còn lại là 291.700 USD và 170 triệu đồng tiền mặt. Theo lịch trình, vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào trung tuần tháng 6/2015 tại TAND tỉnh Nghệ An.
Hữu Trọng