An ninh trật tự

Cần làm rõ, xử lý nghiêm vụ dùng mìn tấn công nhau trên biển

08:53, 16/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong việc tranh chấp ngư trường đánh bắt cá trên biển mà 2 thuyền trưởng mang mìn nổ vào tàu nhau khiến 1 tàu bị chìm, 11 ngư dân thoát chết trong gang tấc. Sự việc xảy ra đã hơn 1 tháng nay tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu khiến hàng chục thuyền viên mất việc làm và nguy cơ xảy ra bạo lực trên biển, thanh toán nhau bằng chất nổ đang báo động.
 
Cuộc đấu mìn kinh hoàng trên biển
 
Theo đơn tố cáo của anh Cao Xuân Lương (SN 1978) trú tại thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu gửi cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An, lúc 17 giờ 30 phút ngày 26/11/2014, tàu cá NA 90286 TS của anh cùng 11 thuyền viên người địa phương đang đánh bắt cá tại tọa độ 19 độ vĩ bắc, 106,44 độ kinh đông, cách đất liền tỉnh Thanh Hóa khoảng 60 hải lý thì bị tàu cá số hiệu NA 96689 TS của anh Hồ Hữu Nghĩa trú tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu bỏ boong chặn lại.
Tàu NA 90286 TS sau khi được trục vớt và lai dắt về đất liền
Tàu NA 90286 TS sau khi được trục vớt và lai dắt về đất liền
Thấy vừa thả lưới đánh bắt đã bị tàu khác gây cản trở nên hai bên đã lời qua tiếng lại. Tàu của anh Lương bị nhiều người trên tàu của anh Nghĩa uy hiếp, đe dọa nên anh Lương đã gọi điện cầu cứu bạn bè. Bởi vậy, tàu cá số hiệu NA 90223 TS của anh Cao Xuân Liêu đã đến hỗ trợ. Quá trình  giằng co, rượt đuổi nhau trên biển, hai bên đã dùng mìn tấn công nhau.
 
Anh Lương đã cho thuyền viên của mình ném đồng thời một lúc 2 quả mìn sang phía tàu cá anh Nghĩa. Thấy cuộc “đọ mìn” căng thẳng nên anh Nghĩa đã cho tàu mình chạy với tốc độ cao, sát với tàu anh Lương khiến toàn bộ hệ thống điện của tàu anh Lương bị hỏng, ca bin bị rách một phần và con tàu này bị lật nghiêng, chìm lập lờ trên biển trước khi các thuyền viên được vớt sang tàu của anh Liêu.
 
Tuy nhiên, thông tin từ đơn tố cáo của anh Lương hoàn toàn trái ngược với thông tin mà anh Nghĩa, chủ tàu NA 96689 TS cung cấp. Đó là do anh Lương ném mìn sang nên tàu anh Nghĩa phải bỏ chạy, khiến những quả mìn đã “gậy ông đập lưng ông”, làm tàu anh Lương bị chìm. Cũng theo anh Nghĩa, ngay sau khi xảy ra sự việc, anh đã báo bộ đàm icom về cho Đồn Biên phòng 148 Quỳnh Thuận để được cơ quan chức năng hỗ trợ.  
 
Theo anh Lương, chủ tàu cá NA 90286 TS cho biết, khi bị nạn, anh gọi cấp cứu về bộ đàm icom cho Đồn Biên phòng 148 và UBND xã Tiến Thủy. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người cùng với phương tiện cứu hộ, cứu nạn trục vớt và lai dắt con tàu bị nạn sau hai ngày lênh đênh trên biển vào bờ và tạm giữ cả hai tàu để làm sáng tỏ vụ việc.
 
Chính quyền địa phương nói gì? 
 
Sau hơn 1 tháng xảy ra sự việc, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Tiến Thủy thì được biết, hai bên vẫn chưa có phương án thống nhất đền bù thiệt hại. Trong khi đó, chủ tàu Cao Xuân Lương đã làm thống kê thiệt hại hơn 1,8 tỉ đồng (chưa kể lai dắt). Trao đổi với ông Hồ Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy về hành vi sử dụng chất nổ trái phép của 2 tàu cá trên, ông Nghiệp cho biết: “Việc sử dụng chất nổ của 2 thuyền trưởng, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền rất nhiều. Biện pháp kiểm tra, xử lý thuộc thẩm quyền của Đồn Biên phòng 148.
 
Tuy nhiên, với bất cứ lý do gì thì việc sử dụng mìn là vi phạm pháp luật”. Nói về vụ đánh nhau kinh hoàng trên biển chưa được xử lý, ông Nghiệp cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, qua icom, chính quyền địa phương đã cùng cơ quan chức năng khẩn trương cứu tàu và 11 ngư dân vào bờ an toàn. Thế nhưng, đã 4 lần, các cấp chính quyền xã, huyện mời hai bên đến thống nhất phương án bồi thường vẫn chưa được.
 
Hiện nay, vụ việc vượt quá thẩm quyền của địa phương nên Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra, xử lý”. Tìm đến Đồn Biên phòng 148 để tìm hiểu thêm thì Trung tá Trần Duy Thanh, Đồn trưởng bận đi công tác. Nhưng qua làm việc với trực ban thì được biết, sau khi sự việc xảy ra, Đồn đã mời 3 thuyền trưởng và các thuyền viên liên quan trên 3 tàu cách ly khai thác thông tin để bàn biện pháp hòa giải. Thế nhưng, sau nhiều lần không đi đến thống nhất, xét thấy vụ việc hình sự nghiêm trọng, vượt quá thẩm quyền nên Đồn đã bàn giao hồ sơ cho Công an tỉnh Nghệ An xử lý. 
 
Vi phạm nghiêm trọng
 
Liệu rồi trong số hàng trăm con tàu đánh bắt cá của Hiệp hội nghề cá Quỳnh Lưu có bao nhiêu con tàu ngày đêm ra biển vẫn mang theo mìn? Phải chăng, sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền đã dẫn đến hậu quả 2 con tàu có công suất lớn, hàng tháng cho thu nhập hàng chục tỉ đồng giờ bị giam giữ khiến hàng chục ngư dân không có việc làm khi mùa ra khơi đánh bắt cá đang vào vụ? Cho dù có biện hộ, lý giải gì đi chăng nữa thì pháp luật cũng đã nghiêm cấm hành vi sử dụng chất nổ trong khai thác, đánh bắt cá cũng như vận chuyển, tàng trữ và sử dụng chất nổ. 
 
Trong lúc ngư dân đánh bắt cá trên biển trong cả nước đang đoàn kết một lòng để không những làm giàu bằng khai thác thủy, hải sản mà còn bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì một số ít thuyền viên, chỉ vì tranh chấp ngư trường mà tự hại nhau. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần khẩn trương làm rõ vụ việc cũng như xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, sử dụng chất nổ trái phép của hai chủ tàu nêu trên.

Hà Thanh

Các tin khác