An ninh trật tự
Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc bị bắt vì lừa đảo
10:07, 23/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sáng 19/12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thượng tá Phạm Văn An - Trưởng phòng CSĐTTP về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Tiệp - Tổng Giám đốc; Nguyễn Xuân Hậu - Phó Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC tại Hà Tĩnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 9/2012 đến tháng 4/2013, mặc dù Chi nhánh Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC tại Hà Tĩnh không được Bộ LĐTB& XH cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ăngôla chưa ký thỏa thuận hợp tác lao động phổ thông), nhưng Nguyễn Duy Tiệp (SN 1985) ở xóm Thống Nhất, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Xuân Hậu (SN 1985) ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty VIPEC chi nhánh Hà Tĩnh đã dùng danh nghĩa Công ty VIPEC giao nhiệm vụ cho nhân viên của Chi nhánh như: Lái xe, kế toán… tìm người và vận động họ đi XKLĐ ở Ăngôla (nhân viên nào tìm được một người thì được Tiệp thưởng 5 triệu đồng ngoài tiền lương). Ngoài ra, để tìm được người đi XKLĐ ở Ăngôla, Nguyễn Duy Tiệp đã cho lập trang web, cho in tờ rơi quảng cáo.
Cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng Nguyễn Duy Tiệp |
Sau khi có người đến “tìm sự giúp đỡ” của Công ty để được đi XKLĐ, Tiệp và Hậu trực tiếp cùng các nhân viên chi nhánh Công ty VIPEC tư vấn, vận động người đi XKLĐ với các lời hứa đầy thuyết phục như: Đi sang Ăngôla bằng con đường XKLĐ chính thống, khi đi sẽ ký hợp đồng lao động; thời gian hợp đồng lao động ở nước ngoài là 3 năm; được gia hạn từng năm một và có thể kéo dài đến 10 năm; có mức lương được hưởng từ 700 đến 1.200 USD/người; trong quá trình lao động được chủ sử dụng lao động bao ăn, ở; thời gian làm thủ tục xuất cảnh chậm nhất là 2 tháng…
Tin tưởng vào những lời hứa của Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu nên từ tháng 9/2012 đến tháng 4/2103, có 8 lao động đã đến đăng ký đi XKLĐ ở Ăngôla qua Công ty VIPEC tại Hà Tĩnh với số tiền phải nộp trên 650 triệu đồng. Trong số 8 lao động nói trên có những lao động đã được Tiệp đưa sang Ăngôla bằng con đường bất hợp pháp, nhưng khi sang thì không hề có việc làm. Sau một thời gian lang thang, gia đình đành phải gửi tiền sang để mua vé máy bay về như trường hợp anh Lê Văn Hùng ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Nhưng để được đi Ăngôla, trước đó, anh Hùng đã phải nộp cho Công ty của Tiệp và Hậu gần 130 triệu đồng.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt đối tượng Nguyễn Xuân Hậu |
Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn Hưng, Lê Văn Phong là những nạn nhân cũng phải chịu chung số phận như anh Hùng khi “tiền mất, việc làm không có”, còn để lại khoản nợ lớn cho người thân và gia đình. Còn đối với anh Phan Duy Hoàng (SN 1987), anh Bùi Đức Thành (SN 1987) đều ở xã Phù Việt, huyện Thạch Hà; anh Nguyễn Văn Hợi ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà cũng vì tin vào những lời hứa của Tiệp và Hậu nên đã nộp mỗi người 25 triệu đồng để được đi XKLĐ. Nộp tiền xong, sau bao nhiêu tháng chờ đợi để được gọi đi làm thủ tục xuất cảnh nhưng không thấy, các anh đã đến Công ty đòi lại tiền thì Nguyễn Duy Tiệp - Tổng giám đốc đã tắt máy điện thoại, tìm cách lẩn tránh và không trả lại tiền. Trước tình thế đó, các anh đã làm đơn trình báo lên cơ quan Công an.
Trước những thủ đoạn của Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu, Phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành điều tra, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của bọn chúng. Sáng 19/12/2013, Phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, hoàn tất hồ sơ đưa đối tượng ra xử lý nghiêm trước pháp luật. Qua vụ án này, cơ quan điều tra khuyến cáo mọi người dân khi có nhu cầu đi XKLĐ cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước khi “gửi gắm niềm tin” cho người khác. Đừng để đến khi tiền mất, việc làm không có, ân hận cũng đã quá muộn.
Văn Hùng - Sỹ Quý