An ninh trật tự
Cảnh giác: Hàng loạt vụ lừa đảo bắt cóc tống tiền
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) vừa cho biết, chỉ tiếng riêng từ tháng 10-2013 đến nay, đã xảy ra liên tiếp hơn 20 vụ lừa bắt cóc tống tiền, gây hoang mang cho người dân.
Có khoảng một nửa trong số này đã chuyển tiền cho bọn tội phạm để “chuộc” người thân, có những người chuyển từ 20 triệu đến 60 triệu đồng. Một nạn nhân đã gửi tới 380 triệu đồng vào tài khoản của bọn tội phạm.
Các đối tượng dùng thủ đoạn gọi điện thoại từ các số điện thoại từ các số điện thoại thông qua mạng internet (+313851668; +313850018; +36022,…) đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại cho nghe tiếng “kêu cứu” giả giọng thân nhân gia đình bị hại (vợ, chồng, con…) và nói chúng đã bắt cóc người thân của bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng thì người thân mới được thả và không bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.
Không ít bị hại tin là người thân bị bắt cóc thật, khi chuyển tiền xong mới biết mình bị lừa và đến trình báo cơ quan Công an.
Trong vụ xảy ra ngày 12-10 vừa qua, do Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện, một người đàn ông tên Bắc ở Hưng Yên đã được triệu tập. Người đàn ông này khai rằng, không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Trước đó, một người đàn ông nhờ ông Bắc đứng tên làm giúp một cái thẻ ATM, loại có thể thanh toán quốc tế. Ông Bắc được trả một khoản thù lao khá cao. Rồi ông ta nhờ ông Bắc mượn thêm thông tin của bạn bè làm nhiều thẻ và gửi sang Trung Quốc.
Thiếu tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết, qua điều tra ban đầu, các đối tượng này là người Việt Nam nhưng đang cư trú bên Trung Quốc. Toàn bộ cuộc gọi tống tiền đều được bọn tội phạm thực hiện từ Trung Quốc về thông qua mạng Internet.
Phương thức hoạt động của chúng khá nhanh gọn. Khi nạn nhân vừa chuyển tiền vào tài khoản, ở phía bên kia biên giới, một số đối tượng khác trong nhóm đã lập tức rút tiền ngay. Thậm chí, có nạn nhân vừa chuyển tiền xong thì chúng gọi điện vào máy nói “đểu” rằng: "ông bị lừa rồi ông ơi!"
Thiếu tá An cho biết thêm, chúng có thể gọi bất kỳ đến gia đình nhà nào, và thường chúng gọi vào thời gian buổi trưa hoặc chiều, trong giờ đi làm, các gia đình thường chỉ có trẻ con và người già ở nhà để nghe ngóng thông tin, bắt chước giọng nói của ai đó. Hoặc hỏi những câu hỏi vu vơ để biết tên của một ai đó trong già đình, sau một thời gia chúng gọi lại và lừa bị hại. Có trường hợp chúng gọi và nói: “Có phải con ông là Dũng không?” Nạn nhân trả lời “Đúng rồi”, "Chúng tôi đang bắt giữ Dũng con ông". Nạn nhân liền bảo: "Dũng tên đầy đủ là gì? Nó bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì? Ở đâu? Thì ngay lập tức chúng lập tức dập máy…
Mặc dù bằng phương thức thủ đoạn “được chăng hay chớ” như trên, nhưng chúng vẫn lừa hàng loạt gia đình và lấy được hàng trăm triệu đồng.
Cơ quan công an đề nghị, ai là nạn nhân hoặc là người đã từng cho chúng mượn thông tin làm thẻ hãy đến trình báo cho cơ quan Công an để phục vụ điều tra.