Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201311/31935-mat-mang-nguoi-mat-ca-tinh-lang-nghia-xom-414571/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201311/31935-mat-mang-nguoi-mat-ca-tinh-lang-nghia-xom-414571/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mất mạng người, mất cả tình làng nghĩa xóm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 10/11/2013, 14:00 [GMT+7]
31935

Mất mạng người, mất cả tình làng nghĩa xóm

Lẫn trong những người đến tham dự phiên tòa trước khi đưa vụ án ra xét xử, tôi gặp chị Nguyễn Thị Khuyên, mẹ của bị cáo Chu Thiên Huế. Chị Khuyên đến tòa với một chiếc túi nilon đựng đủ loại giấy tờ chứng minh bệnh tình của Huế những mong nó có thể giúp con trai chị giảm nhẹ được phần nào tội lỗi. Phía trên, bị cáo Huế ngồi thẫn thờ, mắt nhìn vô định về phía trước như người vô hồn. Hai mẹ con gần nhau nhưng lại chẳng nói được nhiều, những câu hỏi của chị cứ như rơi vào khoảng trống trước mắt.
 
Chị cho biết, những lần vào thăm Huế trong Trại Tạm giam thông qua tấm kính ngăn cách, Huế cũng lầm lì như ngày ở nhà, mẹ hỏi thăm sức khỏe nhưng Huế chỉ trả lời nhát gừng. Mở bọc nilon, bày mấy thứ giấy tờ lên bàn, chị nói như thanh minh: “Đây là giấy tờ đi viện của thằng Huế. Hắn bị trầm cảm, chữa trị lâu nay chưa khỏi hẳn. Hết tiền, tôi đưa nó về nhà hy vọng có mẹ ở bên cạnh, lại gần bà con làng xóm qua lại động viên hy vọng bệnh tình nó sẽ đỡ hơn. Ai ngờ, nó lại gây ra chuyện tày đình này. Mà có phải hai nhà xích mích hằn thù chi mô, chỉ tại hắn không kiềm chế được bản thân nên mới ra nông nỗi này”.
Bị cáo Chu Thiên Huế
 
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ngày 20/9/2012, Chu Thiên Huế ở nhà, trong khi mẹ đi làm đồng. Do nghi ngờ Huế ném vỡ mái ngói nhà mình nên bà Phạm Thị Hường (SN 1963, là hàng xóm sát vách nhà Huế) đứng bên nhà chửi vọng sang. Nghĩ không liên quan tới mình nên Huế cũng chẳng bận tâm. Chị Khuyên làm ruộng gần đó nghe tiếng hàng xóm chửi, nghĩ đang ám chỉ con trai mình nhưng cố nín nhịn.
 
Xẩm tối, đi làm về, hai bà hàng xóm lời qua tiếng lại. Huế nằm trong nhà, nghe tiếng chửi bới liền chạy ra quát: “Im mồm đi, không tau sang chém chết”. Bà hàng xóm cũng chẳng vừa, sau khi đào xới lại nỗi đau của gia đình Huế còn buông thêm lời thách thức trước khi đi vào nhà. Đang nằm trong nhà, nghe lời thách thức của bà hàng xóm, Huế bật dậy, chạy ra giếng cầm một con dao sang nhà hàng xóm chém lia lịa vào cổ, tay, chân bà chủ nhà. Hậu quả, bà Hường chết tại chỗ. Sau khi gây án, Chu Thiên Huế bỏ trốn, nhưng được sự động viên từ phía gia đình nên chỉ một giờ đồng hồ sau, Huế đã tới cơ quan chức năng đầu thú. 
 
“Tội hắn gây ra, hắn chịu. Nhưng lỗi không hoàn toàn do thằng Huế nếu bà ấy không chửi nó là con của kẻ chết sông chết chợ”, chị Khuyên phân trần. Rồi như cần người để san sẻ nỗi đau, chị kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời buồn thảm của mình. Lấy chồng, có với nhau 3 mặt con, đủ nếp đủ tẻ. 5 con người sống dựa vào mấy sào lúa, không khá giả gì nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. 10 năm trước, sau một trận ốm nhẹ, không biết lý do gì, chồng chị đâm ra nghĩ quẩn, trẫm mình xuống sông, 3 ngày sau mới tìm thấy xác. Chồng chết, một nách 3 con đang tuổi ăn tuổi học, chị gồng mình đứng lên làm trụ cột gia đình.
 
Khi đứa con gái đầu bước vào năm cuối đại học thì Chu Thiên Huế thi đậu vào hệ cao đẳng nghề của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Nhà chỉ trông vào hơn 5 sào ruộng, lại không có việc làm thêm, nuôi một đứa học đã khó, giờ nuôi tới hai đứa, nhiều khi chị cảm thấy mình đuối sức, khó mà vượt qua được. Thế nhưng, người mẹ khốn khổ này đã động viên mình, động viên con cùng cố gắng. Quý tính chịu khó và biết vươn lên của đám trẻ hàng xóm, gia đình bà Hường cũng thỉnh thoảng giúp chị công việc nặng nhọc ngày mùa. Hàng xóm, quý nhau ở cái tình cái nghĩa, hai gia đình thường qua lại với nhau, tình làng nghĩa xóm càng trở nên khăng khít.
 
Đang học dở năm thứ nhất thì Huế thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu, tức ngực và nằng nặc xin nghỉ học. Chị bàn với con làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập để đi chữa bệnh và được nhà trường đồng ý. “Từ hồi nghỉ học, nó sinh ra lầm lì ít nói và hay cáu bẳn. Tôi đưa con đi khám, người ta bảo nó bị trầm cảm, chữa một thời gian, thấy yên yên nên cũng yên tâm. Ai ngờ, nó lại gây ra tội tày đình này”, chị lại sụt sùi. Sau khi Huế bị bắt, cả gia tài được con bò, chị quyết định bán, rồi vay mượn anh em, họ hàng được 40 triệu đồng, gọi là bù đắp cho gia đình hàng xóm.
 
Quả thật, gia đình bà Hường cũng cám cảnh không kém hoàn cảnh của chị. Chồng không được nhanh nhẹn như người khác, lại thêm cô con gái bị thiểu năng nên mọi công việc lớn, bé trong nhà đều một tay bà lo liệu. Cô con gái đầu của bà Hường đi làm thuê, cũng chỉ đủ nuôi thân, bởi vậy, bà Hường mất đi, cái gia đình nhỏ ấy cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát. 
 
Cho rằng, hành vi của bị cáo là côn đồ, dã man xuất phát từ bản tính độc ác chứ không phải vì Huế có dấu hiệu bệnh tâm thần nên đại diện bị hại cực lực yêu cầu HĐXX phải dành hình phạt thích đáng dành cho Chu Thiên Huế. Tuy nhiên, cả hai cấp xét xử đều nhận định, bị cáo bị mất một phần năng lực hành vi, phạm tội trong trường hợp bị kích động tâm lý nên tuyên phạt Chu Thiên Huế 7 năm tù giam. Bản án cũng đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau giữa chị Khuyên và gia đình bị hại.
 
Kết thúc phiên tòa, chị Khuyên lặng lẽ cầm tờ quyết định đồng ý bảo lưu kết quả học tập của con ra về. Chị hiểu, với mức án ấy thì tờ giấy này chẳng còn ý nghĩa gì nữa…

K.Hòa - T.Đức
.