Thứ Tư, 08/07/2020, 08:55 [GMT+7]

Phát huy sức mạnh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

(Congannghean.vn)-Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, mỗi người dân ở vùng biên giới, ven biển của tỉnh đã trở thành những “chiến sĩ” không chuyên, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Hội Phụ nữ xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và Hội Phụ nữ cụm bản Loong Cắng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào tổ chức ký kết nghĩa
Hội Phụ nữ xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và Hội Phụ nữ cụm bản Loong Cắng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào tổ chức ký kết nghĩa
Trong thời gian qua, với nhiều mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện Chỉ thị 01; các đơn vị, địa phương đã huy động đông đảo nhân dân, các cấp, ngành, các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. 
 
Theo đó, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được đẩy mạnh. Cùng với đó, đã tuyên truyền, vận động các tập thể, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực biên giới, ven biển tích cực tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản ANTT xóm, bản, các tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn. Hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh có 84 tổ/498 thành viên tự quản đường biên, cột mốc; 716 tổ/3.959 thành viên tự quản ANTT thôn - bản; 58 tổ/455 phương tiện/4.291 thành viên tổ tàu thuyền an toàn; 18 tổ/113 thành viên tự quản trật tự bến bãi an toàn; có 842 hộ tham gia tự quản 416.556 km đường biên, 892 hộ tham gia tự quản 90 mốc quốc giới. Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi người dân ở khu vực biên giới đã thực sự trở thành một “cột mốc” sống trong chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. 
 
Tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong - tiếp giáp với cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, những năm qua, trên cung đường tuần tra biên giới của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ luôn có các mẹ, các chị trong câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” của bản Mường Piệt đồng hành. Ý thức rõ trách nhiệm bản thân, các chị, các mẹ tự nguyện là “tai mắt” của lực lượng Biên phòng. Không chỉ tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, mỗi chị em còn là tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống tội phạm và các quy định về qua lại, thông thương hai bên biên giới đến người thân trong gia đình, bản làng.
 
Còn tại bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, nhiều người dân sinh sống sát đường biên, gần cột mốc đã hăng hái đăng ký tự quản đoạn đường biên giới và cột mốc quốc giới. Với họ, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của người công dân với vùng “phên dậu” của Tổ quốc. 
 
Trong 5 năm qua, các tổ tự quản đã không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó, kịp thời phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hoạt động của các loại đối tượng tội phạm. Qua hoạt động tự quản, đồng bào đã kịp thời cung cấp cho Bộ đội Biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng nắm chắc tình hình biên giới, địa bàn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. 5 năm qua, 851 đợt tuần tra biên giới đơn phương đã được tổ chức, với 8.490 lượt người tham gia; tuần tra song phương được 99 đợt, với 1.225 lượt người tham gia. Qua đó, phát hiện, xử lý 149 vụ/291 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, vượt biên, xuất nhập cảnh trái pháp luật...
Đồn Biên phòng Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát  bảo vệ đường biên giới và cột mốc quốc giới
Đồn Biên phòng Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ đường biên giới và cột mốc quốc giới
Còn tại các vùng hải đảo, ven biển, các địa phương đã phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chủ quyền, biển đảo; các quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, hoạt động của các tổ tàu thuyền an toàn của ngư dân đã phát huy vai trò tích cực trong việc vươn khơi, bám biển; phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin về các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển của tàu thuyền nước ngoài, các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển để các cơ quan chức năng có chủ trương, biện pháp xử lý và tham gia bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, các lực lượng Biên phòng, Công an, Dân quân và các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các vùng biển và địa bàn được phân công phụ trách.
 
Với sự tham gia chủ động và tích cực đó, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, ANTT và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển của Tổ quốc đã được phát huy tối đa, nhất là đối với các hoạt động xâm phạm vùng biển nước ta của tàu cá nước ngoài, các loại tội phạm liên quan đến ma túy, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi sử dụng ngư cụ cấm, thuốc nổ để đánh bắt hải sản… Cụ thể, các lực lượng chức năng đã huy động được 3.837 lượt cán bộ, chiến sĩ/58 lượt tàu xuồng, 58 lượt ô tô, 171 lượt xe máy phối hợp với địa phương và lực lượng hiệp đồng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả lốc xoáy; cứu được 235 người, 138 phương tiện, sửa chữa 37 nhà dân.
 
Trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân, các cơ quan, địa phương đã thực hiện tốt các hoạt động giao lưu nhân dân khu vực hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Cùng với đó, duy trì và phát huy hiệu quả phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (bản - bản) hai bên biên giới, chương trình kết nghĩa giữa lực lượng bảo vệ biên giới 3 tỉnh của Lào và các đồn Biên phòng tuyến núi của tỉnh. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, đã ký kết nghĩa được 21 cặp bản - bản hai bên biên giới; 8 đồn Biên phòng của Nghệ An với 7 đại đội Biên phòng và 1 đồn Công an của Lào… Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nước bạn Lào xây dựng các công trình; tổ chức dạy tiếng Việt cho cán bộ, giáo viên, học sinh Lào cũng đã góp phần củng cố, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy trách nhiệm của toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh nói chung, công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc nói riêng; kịp thời phản ánh, nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào nhằm không ngừng phát huy vai trò trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. 
 
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ngành liên quan hướng dẫn nội dung, phương pháp xây dựng phong trào, các mô hình tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị, xã, phường biên giới, ven biển tổ chức ký cam kết đối với tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh. 
 
Về phía UBND các huyện, thị xã biên giới, ven biển, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, pháp luật, nghiệp vụ liên quan đến thực hiện các nội dung quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho các tổ tự quản. UBND các huyện, thành phố, thị xã nơi không có biên giới, bờ biển tiếp tục triển khai phong trào kết nghĩa, nhận đỡ đầu với các đồn Biên phòng và các xã biên giới; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình nghèo trên địa bàn biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...
.

Thùy Dương

.