An ninh cơ sở
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy rừng
(Congannghean.vn)-Những cánh rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi - “lá phổi xanh” trên địa bàn Nam Đàn bỗng chốc bị ngọn lửa hung dữ càn quét, khiến các cánh rừng trở nên tan hoang, trơ trọi. Trong cái nóng ngột ngạt của lửa, khói, bụi tro phủ kín khắp vùng, những khuôn mặt đen đúa, lấm lem vì khói lửa, ướt đẫm mồ hôi vì nóng, những đôi chân phồng rộp vì thường xuyên trèo núi, vác nước, mở đường băng cản lửa, bữa ăn vội với gói mỳ tôm, lương khô… là những hình ảnh xúc động về các lực lượng nói chung, về người CBCS Công an huyện Nam Đàn nói riêng trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa” những ngày qua, in đậm trong lòng người dân nơi đây.
Công an huyện Nam Đàn phối hợp với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng và cứu nạn, cứu hộ tại các đám cháy rừng xảy ra trên địa bàn |
Chỉ trong vòng từ tháng 5/2019 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đàn xảy ra 11 vụ cháy rừng, trong đó 5 vụ cháy lớn. Ngày 30/6, có mặt tại vụ cháy rừng ở xã Nam Kim, chứng kiến cảnh các lực lượng chữa cháy phải giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa đang cháy rừng rực mới hiểu hết được những nguy hiểm và khó khăn về nhiệm vụ này.
Trung tá Phạm Thanh Tịnh, Phó Trưởng Công an huyện Nam Đàn cho biết: Do địa hình đồi núi phức tạp, vách núi thẳng đứng, gây khó khăn cho việc tiếp cận gốc lửa (nhằm triệt tiêu gốc lửa để ngăn chặn cháy lan sang khu vực khác). Bên cạnh đó, các vụ cháy rừng thường diễn ra vào ban đêm, giữa trưa nắng nóng, lửa dập xong do có gió lớn lại bùng phát trở lại; các phương tiện như bảo hộ, đèn pin… cho cán bộ (không thuộc PCCC chuyên nghiệp) còn thiếu. Vì vậy, công tác chữa cháy và khống chế ngọn lửa là vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi mỗi người lính tham gia PCCC phải hết sức căng mình để kiềm chế ngọn lửa, không để lây lan sang khu vực khác.
Đến bây giờ, đã hơn 10 ngày trôi qua, anh Trịnh Văn Long trú tại xóm 2, xã Nam Kim vẫn chưa hết bàng hoàng về cháy rừng diễn ra trên địa bàn và quét qua nhà anh. “Gió thổi mạnh nên lửa cháy lan rộng rất nhanh, thiêu cháy cả rừng keo, vườn chanh, rồi vây 4 phía xung quanh ngôi nhà tôi. Vừa kịp đưa vợ con và một số vật dụng quan trọng trong nhà đến nơi an toàn, tôi cứ nghĩ rằng, ngôi nhà gắn bó với mình cũng bị thiêu cháy. Thế nhưng, nhờ lực lượng chữa cháy, trong đó có CBCS Công an huyện Nam Đàn chịu đựng sức nóng khủng khiếp, kịp thời dùng vòi rồng phun nước, ngăn chặn được lửa rừng không lan rộng, căn nhà của tôi mới không bị lửa thiêu cháy”, anh Long nhớ lại.
Đến nay, dù các đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, song không một ai có thể kìm lòng khi chứng kiến những cánh rừng hàng chục năm tuổi hóa thành tro tàn. Đặc biệt là sự việc đau lòng trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa”, bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964) trú tại xã Nam Kim đã bị lửa thiêu cháy, dẫn đến tử vong. Đây là sự việc khiến những cán bộ Công an huyện Nam Đàn trăn trở nhất, vì đã cố gắng hết sức song vẫn không kịp cứu nạn nhân khỏi ngọn lửa hung dữ…
Để làm tốt hơn nữa công tác PCCC trên địa bàn, trong thời gian tới, Công an huyện Nam Đàn tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCCC; đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC&CN,CH trên địa bàn. Cùng với đó, Công an huyện với vai trò nòng cốt là Đội Cảnh sát PCCC&CN,CH cùng các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CN,CH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo cháy rừng trên loa truyền thanh các thôn, xóm thuộc 24 xã, thị trấn, từ đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định PCCC trong mỗi người dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định của pháp luật.
Song song với đó, Công an huyện còn phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra về PCCCR với các tổ chức, cá nhân có sử dụng rừng và đất rừng và các cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng. Ngoài ra, chủ động phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin giữa các đơn vị, địa phương thường xuyên theo đúng quy định; hạn chế thấp nhất các thiệt hại do nguyên nhân cháy, nổ gây ra.
Thu Thủy