An ninh cơ sở
Nói không với ma túy để trở về
15:48, 05/06/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nghiện ma túy là con đường ngắn nhất đến với cái chết, người nghiện đều phải trải qua những cơn đau vật vã vì đói thuốc, gia đình kiệt quệ, ly tán vì ma túy.
Với sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an huyện Con Cuông, Nghệ An nói riêng và sự quan tâm của cả xã hội nói chung thì con đường hoàn lương của các đối tượng nghiện sẽ không bao giờ muộn.
Địa bàn Bình Chuẩn là xã có số lượng người nghiện ma túy nhiều nhất huyện Con Cuông. Khi nói đến ma túy ở Bình Chuẩn, ai cũng nghĩ ngay trên đỉnh núi Pù Huột - nơi giáp ranh giữa bản Tông, xã Bình Chuẩn và bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My, huyện Tương Dương. Đây được cho là vị trí tam giác đắc địa hiểm trở, thuận lợi cho các đối tượng mua bán ma túy và các con nghiện từ 3 huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông hoạt động.
Qua quá trình đấu tranh với các đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, đỉnh Pù Huột có dấu hiệu giảm nhiệt, tuy nhiên, vùng khe Cạn, bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My ngay dưới chân núi Pù Huột thì vẫn là “điểm nóng” về tội phạm ma túy. Tình trạng tụ tập mua bán, hút chích ma túy một cách công khai, tình trạng trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương.
Công an huyện Con Cuông cùng Công an xã tuyên truyền phòng, chống ma túy cho người dân trên địa bàn |
Tại đây, các lán trại được con nghiện dựng lên hoặc tận dụng lán rẫy của người dân quanh đó để sử dụng ma túy. Giấy thiếc bọc để hít hêrôin, kim tiêm ma túy hay điếu hút tự chế để hít hồng phiến vương vãi tràn lan... Chỉ cần thấy bóng dáng của lực lượng Công an tuần tra, các con nghiện lập tức tháo chạy nháo nhác nhưng sau đó lại tiếp tục tụ tập hút chính. Vì vậy, lực lượng Công an phải tuần tra, đẩy đuổi thường xuyên.
Hiện nay, trên địa bàn Bình Chuẩn có 113 người nghiện, trong đó 93 người nghiện có hồ sơ quản lý. Một trong những việc khó khăn nhất trong phòng, chống ma túy là các đối tượng nghiện thường không hoạt động ở địa bàn mà sang hoạt động ở huyện khác, gây khó khăn cho việc điều tra cũng như lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc. Mặt khác, vì địa bàn xã cách xa trung tâm, giao thông cách trở nên việc cai nghiện bằng uống methadone thay thế hằng ngày không thể thực hiện được.
Trước thực trạng đó, Công an huyện Con Cuông tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt tại các vùng tiềm ẩn phức tạp ở vùng biên giới. Đồng thời, phát động phong trào tố giác tội phạm thông qua bỏ phiếu kín. Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị; từ đó điều tra, phát hiện các đối tượng phạm tội đặc biệt liên quan đến ma túy. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, tại xã Bình Chuẩn xóa được các điểm, tụ điểm “nóng” về ma túy; kiểm soát được các đối tượng nghiện, không để phát sinh thêm đối tượng nghiện mới.
Riêng trong năm 2018, Công an huyện đã bắt giữ 26 vụ ma túy với 32 đối tượng. Trong những tháng đầu năm 2019, đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ, 51 đối tượng; thu giữ hơn 494 gam hêrôin, hơn 1 kg ma túy đá, 260 viên hồng phiến, 2 cân tiểu ly điện tử, 2 xe môtô, 2 điện thoại di động, 75.790.000 đồng tiền mặt. Trong đó, xác lập, khám phá thành công 10 chuyên án; đấu tranh, triệt xóa 1 tụ điểm, 19 điểm phức tạp về ma túy.
Về công tác cai nghiện, hiện nay, Con Cuông đã thành lập một cơ sở điều trị methadone trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Con Cuông phục vụ bệnh nhân nghiện trong và ngoài huyện. Ban đầu chỉ có 7 bệnh nhân đăng ký điều trị thuốc thay thế, nay tăng lên 154. Tuy nhiên, chỉ có 54 bệnh nhận điều trị đều đặn. Ông Trần Văn X. - một người nghiện ma túy cho biết: Hơn 20 năm nay tôi đã cố gắng cai nghiện nhưng không thành công, một phần do bản thân không có bản lĩnh, một phần do cuộc sống có nhiều áp lực, khó khăn chán chường nên đã nhiều lần tìm đến ma túy. Sau này tôi quyết định lựa chọn điều trị bằng methadone thay thế vì thuốc được Nhà nước hỗ trợ nên chi phí quá rẻ, phù hợp cho những gia đình khó khăn như chúng tôi. Hiện tại sức khỏe của tôi ổn định hơn, các cơn vật vã thèm thuồng, bứt rứt trong cơ thể không còn xảy ra, có thể lao động như người bình thường.
Con đường trở về nói không với ma úy của người bị nghiện còn gian nan và đầy thử thách. Thực sự không chỉ có sự vào cuộc tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể để người dân nâng cao cảnh giác hơn với tệ nạn và tội phạm ma túy, sự vận động thuyết phục của chính gia đình có người bị nghiện đi cai nghiện mà quan trọng nhất là bản lĩnh nỗ lực của người nghiện; bởi sự tàn phá của ma túy không trừ một riêng ai.
Trần Lê