An ninh cơ sở
Liên tục xảy ra cháy, thiệt hại hàng chục ha rừng
(Congannghean.vn)-Chỉ tính trong khoảng thời gian hơn 10 ngày (từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2018), trên địa bàn Nghệ An liên tục xảy ra hàng chục vụ cháy, gây thiệt hại không nhỏ đến tài nguyên rừng, tài sản cá nhân và ô nhiễm không khí... Với thời tiết khô nóng như hiện nay, khi nguy cơ cháy luôn hiện hữu thì rất cần các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Trong khoảng 10 ngày gần đây, hàng chục ha rừng ở Nghệ An đã bị thiêu rụi |
Trong ngày 2/7/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy. Theo đó, vào 8 giờ 30 phút, tại Nhà máy sản xuất lưới thép B40 và dây kẽm gai ở xóm 16, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành xảy ra cháy nghiêm trọng, đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị gồm các máy móc, thiết bị trong nhà xưởng và 1 xe ôtô tải. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nói trên được xác định có thể do chập điện.
Tiếp đó, khoảng gần 11 giờ, người dân phát hiện ngọn lửa bùng phát tại rừng thông nhiều năm tuổi ở xóm 15, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND huyện Diễn Châu đã huy động lực lượng gồm: Công an, Quân đội, Kiểm lâm, dân quân tự vệ, các cơ quan chức năng và nhân dân trên địa bàn 10 xã thuộc huyện Diễn Châu thực hiện công tác chữa cháy. Tuy nhiên, do địa điểm cháy xa khu dân cư, rừng dốc, thảm thực bì dày cùng với thời tiết nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên đám cháy nhanh chóng lan rộng. Đặc biệt, điểm cháy rừng ở xã Diễn Yên tiếp giáp với rừng tràm và thông ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành nên nguy cơ lan sang khu vực này rất cao.
Trước tình hình đó, chính quyền huyện Yên Thành đã huy động tối đa lực lượng phát quang đường băng cản lửa và tham gia chữa cháy. Sau nhiều giờ vật lộn với “giặc lửa”, đến khoảng 19 giờ cùng ngày, đám cháy ở xã Diễn Yên và khu vực lân cận đã được khống chế. Tuy vậy, nhiều ha rừng đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Chiều cùng ngày, 1 đám cháy khác xảy ra tại bãi rác Hưng Đông thuộc địa bàn xóm 5, xã Hưng Đông, TP Vinh. Mặc dù đám cháy xảy ra trong nhiều giờ đồng hồ, với diện tích cháy hàng nghìn m2, song chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vẫn không hề hay biết. Phải đến cuối buổi chiều (2/7), lực lượng PC&CC chuyên nghiệp mới nhận được tin báo và điều động xe chữa cháy tới hiện trường để dập lửa. Qua quan sát, đám cháy tại bãi rác Hưng Đông chủ yếu là cây cỏ hoang dại đã khô cùng với rác thải khô lâu năm chưa được xử lý.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tham gia chữa cháy rừng |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, trong 2 ngày 20 và 21/6, trên địa bàn Nghệ An liên tiếp xảy ra 4 vụ cháy rừng, với tổng diện tích gần 20 ha. Cụ thể, ngày 20/6, xảy ra vụ cháy rừng tại 2 xã Nghi Yên và Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, thiệt hại diện tích khoảng 6 ha. Ngày 21/6, xảy ra vụ cháy rừng tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, thiệt hại khoảng 3,7 ha rừng thông. Từ đây ngọn lửa cháy lan sang xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương; đến 1 giờ ngày 22/6, vụ cháy mới được dập tắt. Cũng trong ngày 21/6 xảy ra cháy rừng tại xóm 14, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, đến 4 giờ ngày 22/6, đám cháy cháy mới được dập tắt; ước tính thiệt hại khoảng 6 ha rừng thông.
1 vụ cháy nghiêm trọng khác cần phải kể đến đó là cháy bãi rác tập trung tại thôn 5, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu có diện tích hơn 5 ha, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của hàng chục hộ dân xung quanh. Đám cháy xảy ra liên tục gần 1 tuần và đến chiều 30/6 mới cơ bản được khống chế. Theo ghi nhận của phóng viên, quá trình xảy ra cháy, có hơn 30 người dân xung quanh bị ngộ độc khí thải phải đến Trạm Y tế xã cấp cứu với triệu chứng tức ngực, buồn nôn, khó thở…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện, thời tiết nắng nóng trên địa bàn đang tiếp tục kéo dài, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Đối với các điểm cháy cũ, Chi cục đã chỉ đạo kiểm lâm các địa phương phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ các xã canh gác lửa rừng; kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân và chính quyền các địa phương cần chủ động tốt các phương án phòng, chống cháy rừng tại chỗ, không để bị động bất ngờ xảy ra.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng rất lớn, hàng năm cứ đến mùa hè nắng nóng, kết hợp với gió phơn Tây Nam thổi mạnh, lớp thảm thực vật, thực bì tại các khu rừng trên địa bàn trở nên khô khốc, là điều kiện thuận lợi bùng phát các đám cháy. Do vậy, công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa hè nắng nóng cần được người dân, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác PCCC tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, xí nghiệp, nhà máy cũng không kém phần quan trọng, qua đó giảm thiểu các thiệt hại do nguyên nhân cháy gây ra.
Đ. Thắng