An ninh cơ sở

Công tác hòa giải tại cơ sở: Góp phần đảm bảo an ninh trật tự

09:14, 05/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hòa giải tại cơ sở không những góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư mà còn kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó đảm bảo ANTT. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, tại Nghệ An luôn quan tâm chú trọng công tác chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt công tác này.

Ban hòa giải xã Trù Sơn, huyện Đô Lương tiếp nhận hồ sơ tham gia vụ hòa giải tại cơ sở
Ban hòa giải xã Trù Sơn, huyện Đô Lương tiếp nhận hồ sơ tham gia vụ hòa giải tại cơ sở

Có mặt tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương vào thời điểm các thành viên trong Ban hòa giải của xã đang chuẩn bị hồ sơ để xuống cơ sở tham gia một vụ hòa giải mâu thuẫn về tranh chấp đất đai. Anh Nguyễn Đình Thành, cán bộ Tư pháp xã, thành viên của Ban hòa giải cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có 16 tổ với 112 hòa giải viên. Hòa giải viên được ví như “người vác tù và hàng tổng”. Với những vụ việc phát sinh chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, người làm công tác hòa giải phải vận dụng nhiều biện pháp, dùng lý lẽ để thuyết phục, làm sao cho người dân nhận thấy việc mình làm là đúng hay sai. Có những vụ phức tạp như tranh chấp đất đai dẫn đến xung đột thì phải kiên trì thuyết phục, động viên, giải quyết nhẹ nhàng, làm thế nào để không mất đi tình làng nghĩa xóm.

Năm 2017, Ban hòa giải của xã đã hòa giải được 17 vụ, chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình… Điển hình như vụ tranh chấp đất đai giữa dòng họ Nguyễn Đình với bà Trần Thị Chỉnh trú tại xóm 6, xã Trù Sơn. Chỉ vì ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Đình nằm trong khu vườn nhà bà Chỉnh mà 2 bên nhiều lần xảy ra xung đột. UBND xã đã thành lập Ban hòa giải có nhiệm vụ trực tiếp đến hòa giải tại dòng họ Nguyễn Đình và gia đình bà Chỉnh. Sau một thời gian kiên trì vận động, 2 bên đã đi đến thống nhất giải quyết tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý.

Theo số liệu báo cáo của Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 21 đơn vị cấp huyện có 5.884 tổ hòa giải với 39.256 hòa giải viên. Năm 2017, đã tiếp nhận 4.828 vụ hòa giải (giảm 356 vụ so với năm 2016), trong đó hòa giải thành công 3.635 vụ (chiếm tỉ lệ 75,2%), tạo niềm tin và uy tín trong nhân dân. Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó tình hình ANTT được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Nhờ làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở nên số đơn thư, vụ việc vượt cấp ngày càng giảm.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua còn có những khó khăn nhất định, dẫn đến tỉ lệ hòa giải thành công chưa cao. Năm 2017, hòa giải không thành 1.081 vụ, chiếm tỉ lệ 18,3%. Nguyên nhân là do xuất phát từ một bộ phận đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng nên ảnh hưởng đến công tác này. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hòa giải chưa được hỗ trợ phù hợp, người hòa giải viên chủ yếu làm trên tinh thần tự nguyện, không được hưởng lương chuyên trách.

Mặc khác, tại một số nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, trong khi đó chính quyền xã lại chưa nhận thấy được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo. Với những vụ như tranh chấp đất đai, đương sự chỉ muốn chuyển vụ việc lên cấp trên giải quyết theo thẩm quyền, còn hòa giải ở cơ sở chỉ là thủ tục chung theo quy định của Luật Đất đai.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tại cơ sở, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên gắn với bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải để nâng cao năng lực, phát huy vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt việc chi phí bồi dưỡng cho các hòa giải viên theo quy định...

Phan Tuyết

Các tin khác