Những cán bộ, chiến sỹ Công an phụ trách xã, Công an huyện Tương Dương đang ngày đêm bảo vệ bình yên của bản làng. Họ vừa là những người vững nghiệp vụ, vừa hiểu phong tục, tập quán của người dân và là “địa chỉ vàng” được dân tin yêu.
Là địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa với nhiều dân tộc như Mông, Thái, Kinh, ƠĐu… cùng sinh sống, trình độ của người dân còn nhiều hạn chế nên hầu hết mọi việc, người dân đều “gọi” đến các cán bộ, chiến sỹ công an. Chuyện vợ chồng cãi nhau do chồng say rượu, chuyện con trâu bị ốm chết, lúa mất mùa do sâu bệnh… bà con cũng gọi ngay đến công an.
Để tuyên truyền giúp người dân nhận thức và thay đổi hành động, các cán bộ chiến sỹ đã hoà nhập được với nhân dân, làm gương đi đầu trong mọi hoạt động. Chẳng thế mà, ở vùng miền núi này, hễ vào bản mà thấy gia đình nào tổ chức đám cưới, cán bộ, chiến sỹ công an lại “tự động” tham gia giống như người thân trong gia đình.
Trung tá Lương Thanh Liên - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Công an phụ trách xã, Công an huyện Tương Dương cho hay: “Các cán bộ, chiến sĩ của Đội hiện đang "cắm bản" tại các địa bàn được giao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT địa phương, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin từ phía cơ sở và tích cực đi cơ sở để gắn bó với địa bàn, với nhân dân, qua đó tăng thêm mối quan hệ gắn bó với dân, để dân hiểu, dân tin. Có như vậy mới hoà nhập được với đồng bào, thu hẹp khoảng cách giữa dân và cán bộ. Trước đây, vụ việc xảy ra ở bản có khi hàng tháng trời mới nắm bắt được nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, lực lượng công an phụ trách xã đã tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để phục vụ tốt công tác đảm bảo ANTT”.
Lực lượng Công an phụ trách xã, Công an huyện Tương Dương phổ biến kiến thức pháp luật, phòng ngừa tội phạm cho dân bản
Tương Dương hiện có 21 xã, thị trấn, trung tâm huyện nằm sát ngay Quốc lộ 7A. Đường đi đến trung tâm huyện thuận lợi là thế nhưng để đi được đến các xã, bản giáp biên giới Việt - Lào quả là một thử thách. Nhiều bản làng ở các xã phải đi cả ngày đường theo kiểu “tăng bo” vừa đi xe máy, vừa đi bộ lội suối mới đến nơi như xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Xiêng My… Có những bản ở khu vực biên giới giáp Lào, vào mùa mưa coi như bị cô lập, do nhiều con suối nước chảy xiết không thể đi qua được.
Tâm sự với các anh, chúng tôi được biết: Do đặc thù là địa bàn miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên trước khi nhận công tác phụ trách ở một xã nào đó, các anh phải tìm hiểu những phong tục tập quán của từng đồng bào dân tộc thiểu số. Học trong các đợt tập huấn, học trong sách dân tộc, học từ kinh nghiệm của những người đi trước và học từ chính đồng bào dân tộc thiểu số. "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc" là yêu cầu đối với chiến sỹ công an phụ trách xã.
Quá trình công tác tại cơ sở, cán bộ, chiến sỹ Công an phụ trách xã tranh thủ sự giúp đỡ của người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, đã chủ động đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép các chất ma túy, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; vận động đồng bào không di cư tự do, định canh, định cư xây dựng thôn bản an toàn về an ninh trật tự.
Đặc biệt, qua phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ ở địa bàn, các mô hình tự quản về ANTT như các tổ an ninh xã hội tại thôn bản từ đó xây dựng các mô hình như mô hình cai nghiện, quản lý sau cai; mô hình tự quản về ANTT các bản làng; mô hình quản lý tạo việc làm sau cai nghiện ma túy… tham mưu và phối hợp với Công an xã triệt xóa các tụ điểm ma túy ở xã Lưu Kiền, xã Lượng Minh, Xiêng My, Yên Tĩnh, Nga My, Yên Hòa, Nhôn Mai, Tam Quang. Hàng tháng lập hồ sơ các đối tượng nghiện ma túy đưa đi cai nghiện bắt buộc và vận động người dân giao nộp vũ khí tự chế…
Dù đã nghe nhiều câu chuyện về lực lượng công an "cắm bản", song khi tận mắt thấy việc làm của các chiến sĩ công an ở các bản vùng miền núi nơi huyện Tương Dương hiểm trở này, chúng tôi càng cảm phục tinh thần vượt khó của họ. Các anh đã tạm gác cuộc sống riêng, để lại vợ con gia đình ở dưới xuôi, rồi cùng bà con dân bản chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống.
Họ luôn phải đương đầu và giải quyết từ những việc nhỏ như đánh nhau, gây rối, tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, xích mích trong nhân dân, đồng thời thường xuyên phải có mặt ở những điểm nóng, tiếp xúc và đấu tranh với mặt trái của xã hội.
Trường Khuyên
.