Trong một chuyến công tác lên huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An chúng tôi có dịp đến thăm Đồn Biên phòng Thông Thụ (515) - mái nhà thân yêu của những người lính mang quân hàm xanh nơi miền biên cương xứ Nghệ. Được gặp và tận mắt chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả của các anh và bà con dân tộc nơi thượng nguồn sông Chu mới thấy cảm phục biết bao tấm lòng của những màu xanh áo lính.
Sự hi sinh thầm lặng
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng 515 vào một ngày giữa tháng tư với cái nắng bỏng rát của mùa khô biên giới. Sự cởi mở, chân thành của các anh như xua đi nỗi vất vả của quãng đường xa xôi. Đại úy Đinh Xuân Thảo - người có thâm niên gắn bó cùng cuộc sống của bà con dân tộc với 16 năm cắm bản là tấm gương tiêu biểu mà anh em ở Đồn Biên phòng 515 nhắc đến nhiều trong câu chuyện kể.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ gió Lào cát trắng, từ nhỏ anh Thảo đã ao ước được làm một người lính cụ Hồ. Năm 1994, tốt ngiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Lào, anh được phân về công tác tại Đồn Biên phòng 515. Nhớ lần đầu tiên vào nhận nhiệm vụ, Thảo mang ba lô vác súng trên vai đi bộ 1 ngày đường vào được đến Đồn thì ngã quỵ vì kiệt sức.
Bà con dân bản xem BĐBP là người trong nhà
Phải đến hơn một tuần sau anh mới bắt đầu công việc của mình. Khi về với bản, nhìn cảnh bà con dân tộc thiểu số sinh hoạt lạc hậu anh không khỏi chạnh lòng và hạ quyết tâm sẽ làm điều gì đó cho bà con để cải thiện cuộc sống. Ngày vào Đồn nhận nhiệm vụ cũng là ngày anh được giao trọng trách làm công tác dân vận.
Đồn Biên phòng Thông Thụ quản lý 29,5km đường biên với nhiều thành phần dân tộc anh em, cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn và lạc hậu. Qua từng câu chuyện anh kể chúng tôi mới thật sự thấu hiểu những khó khăn của người lính làm công tác dân vận ở nơi đã từng là “rốn” ma túy.
Anh Thảo bảo, muốn dân vận tốt thì trước hết phải làm công tác khảo sát địa bàn, dân số, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội để từ đó khung lại các hộ nghèo, tìm nguyên nhân và đưa ra những giải pháp thiết thực có tính khả thi nhất. Gần bà con và giúp họ phát triển kinh tế là một vấn đề hết sức khó khăn.
Bởi lẽ, thay đổi phong tục tập quán của bà con dân tộc thiểu số đâu có dễ. Bước đầu anh phải tự mình vượt qua rào cản, bất đồng về ngôn ngữ để “lấy lòng” bà con dân bản. Anh bắt đầu học tiếng Thái qua các em nhỏ, yêu thương và gần gũi các em. Hằng ngày anh đưa trẻ của bản ra sông tắm và từ đó dạy cho các em học chữ bằng những cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Sau khi đã thông thạo tiếng Thái, anh ra sức vận động bà con làm theo những chủ trương chính sách của Đảng, dạy cho bà con cách trồng cây lúa nước sao cho năng suất và thâm canh tăng vụ. “Thời gian đầu, do chưa quen với cách sống và sinh hoạt nên mình toàn mất ăn, mất ngủ nhưng vẫn phải cố gắng hòa nhập vào cuộc sống của bản làng. Rồi dần dần bà con như hiểu được tấm lòng chân thành của mình nên mừng lắm và từ đó lại thêm yêu quý bộ đội nhiều hơn”, anh Thảo tâm sự.
Giờ đây, cuộc sống của bà con đã bớt đi phần cơ cực. Họ đã biết nhổ bỏ cây thuốc phiện và thâm canh cây lúa nước, biết ăn chín uống sôi và biết cho con mình học chữ. Thông Thụ đang đổi mới từng ngày với nhiều bản làng văn hóa và những điển hình kinh tế giỏi cũng là nhờ vào sự hi sinh âm thầm lặng lẽ của những người lính như anh.
Những buồn vui đời lính
Anh kể, quãng thời gian 16 năm cắm bản của mình có biết bao vui buồn lẫn lộn. Trong đó có một “kỷ niệm ngọt ngào” mà không bao giờ Thảo quên. Ấy là lần anh vào lớp và bắt đầu buổi học với việc kiểm tra bài cũ cô bé Nô Thị Hạnh. Sau khi đứng dậy, Hạnh cứ ấp úng mãi rồi hình như cô bé nghĩ thầy giáo của mình không biết tiếng Thái nên đã nói một câu: “Mừa hủ xì bò thám, mừa bò hủ xì thám” (tạm dịch là: “Thầy xỏ lá, hôm thuộc thì không hỏi, hôm không thuộc thì lại hỏi”).
Anh cười và nói với học trò: “Đi học thì hôm nào cũng phải thuộc bài. Không phải thầy xỏ lá mà do em không chịu học”. Từ đó Hạnh rất chăm chỉ học tập và trở thành học sinh khá của lớp. Đến bây giờ, khi đã có gia đình thỉnh thoảng gặp lại thầy giáo, Hạnh vẫn cảm phục và yêu quý thầy như ngày xưa.
Hành trang mang trên vai suốt cả cuộc đời của người lính trẻ là nghĩa tình với đồng bào ruột thịt. Nhiều khi anh phải dành tình yêu cho Tổ quốc mà quên đi tình cảm của cá nhân mình. Năm 2007, khi đang gồng mình cùng bà con dân bản chống chọi với cơn lũ dữ, anh hay tin người mẹ thân yêu qua đời. Nuốt nước mắt vào trong, anh gượng dậy hoàn thành nhiệm vụ rồi vượt bão lũ, nhưng khi về được đến nhà thì mẹ đã mất được 3 ngày.
“Lúc đó cảm giác có tội với mẹ nhiều lắm nhưng vẫn tự an ủi rằng, ở nơi xa xôi đó mẹ sẽ mỉm cười vì con của mẹ là một người lính” - Thảo xúc động chia sẻ. Giờ đây, khi gần 40 tuổi anh mới nghĩ đến hạnh phúc riêng. Vợ anh - một cô giáo hiền dịu đã đến với anh bằng tình yêu cao thượng và bao dung.
Thảo bảo, anh hay đùa với vợ rằng “công việc đòi hỏi, dân gọi phải đi”. Có khi 2 - 3 tháng anh mới có dịp về thăm nhà một lần. Ấy thế mà cậu con trai kháu khỉnh 18 tháng tuổi không quen hơi bố vẫn nhào vào lòng anh và nụ cười âu yếm của vợ như xua tan hết mọi khó khăn, bộn bề của công việc. Gia đình chính là hậu phương vững chắc, là nguồn động viên tinh thần giúp anh đứng vững nơi biên cương Tổ quốc.
Ngọc Anh
.