Ở xã Lượng Minh huyện Tương Dương, cụ Moong Văn Cáng là người có uy tín, đã làm nhiều việc tốt cho xóm làng. Mặc dù là xã điểm nóng về ma túy nhưng nhiều năm qua, với vai trò của mình, già đã vận động nhân dân trong thôn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy.
Đối với những ai chưa nghiện ma túy thì cụ sử dụng các bài "Tơm" của dân tộc để tuyên truyền con cháu tránh xa; đối với những đối tượng mắc nghiện thì cụ luôn gần gũi, dùng lời lẽ của người ông, người cha khuyên bảo, từng bước giúp họ đoạn tuyệt với ma túy...
Đối với lực lượng Công an xã, cụ còn là chỗ dựa tin cậy vững chắc. Cụ vận động người dân trong bản, trong xã kịp thời tố giác những hành vi, những đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật; giám sát những đối tượng khả nghi, cung cấp thông tin cho lực lượng công an nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm.
Dựa vào dân, tranh thủ sự hỗ trợ của các già làng, người uy tín trong đồng bào DTTS, trong những năm qua, từ 2.308 nguồn tin do dân cung cấp, Công an huyện Tương Dương đã xóa bỏ được 2.000m2 cây thuốc phiện; vận động 100 đối tượng ký cam kết không tham gia buôn bán trái phép chất ma túy; giao nộp hàng trăm vũ khí các loại...
Bằng uy tín của mình, già làng Lầu Xây Phia (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, Kỳ Sơn) đã vận động hàng chục hộ từ bỏ ý định di cư trái phép sang Lào. Đồng thời, vận động nhân dân giúp đỡ, hỗ trợ những hộ hồi cư dựng lại nhà ở, hỗ trợ gạo cứu đói, nhường lại đất sản xuất để họ ổn định cuộc sống.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho già làng
Và Pha Chống (Huồi Tụ, Kỳ Sơn)
Còn đồng bào ở bản Piếng Mòn (xã Quế Sơn, Quế Phong) vẫn dành cho chị Trương Thị Thương - Người uy tín của bản bằng tên gọi trìu mến “Người hóa giải những mối bất đồng”.
Bản Piếng Mòn nằm cách trung tâm xã trên 10km, tỷ lệ hộ nghèo trên 90%, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khá phức tạp, thường xảy ra mâu thuẫn, xung đột.
Với vai trò là Trưởng Ban hòa giải của bản, chị tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, với già làng, trưởng bản nắm bắt thực tế, hoàn cảnh của từng gia đình; để hòa giải thành công các vụ tranh chấp, mâu thuẫn chị cất công đến từng gia đình tìm hiểu nguyên nhân, mấu chốt của sự việc và dùng lý lẽ phân tích, lấy sự chân thành, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ.
Trong 3 năm qua, chị đã tham gia hòa giải thành công 14 vụ mâu thuẫn, trong đó có 4 vụ nội bộ gia đình; 7 vụ mâu thuẫn giữa gia đình này với gia đình nọ và 3 vụ xung đột giữa các dòng họ với nhau.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của già làng, người có uy tín nên trong những năm qua, các ban, ngành, nhất là lực lượng Công an các xã đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác tranh thủ già làng, người có uy tín nhằm góp phần đảm bảo ANTT tại địa bàn các huyện miền núi, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phòng ngừa, đấu tranh với mọi âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch, bài trừ tệ nạn xã hội.
Các cụ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lực lượng Công an trong việc nắm tình hình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hoạt động liên quan đến an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cung cấp cho cơ quan Công an nhiều nguồn tin có giá trị; đồng thời các cụ cũng "hiến kế, hiến công" nhiều giải pháp có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Trong 3 năm phát động phong trào “Phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong đồng bào DTTS đảm bảo ANTT ở các huyện miền núi”, đã giúp lực lượng công an đấu tranh, ngăn chặn 12 vụ, 34 đối tượng bị các đối tượng phản động lôi kéo sang thành lập “Vương quốc Mông”; 19 vụ, 30 đối tượng tham gia truyền đạo trái phép; vận động hàng trăm hộ từ bỏ ý định di cư sang Lào; xử lý 17 vụ tranh chấp, khiếu kiện; vận động nhân dân giao nộp 413 khẩu súng các loại; xóa nhổ hơn 5.200m2 cây thuốc phiện.
Giản dị, mộc mạc, chân tình và đầy nhiệt huyết, những người có uy tín trong đồng bào DTTS góp phần không nhỏ trong việc giữ bình yên cho bản làng, nhất là khu vực biên giới. Họ vẫn tiếp tục gắn bó với nhịp sống ở các thôn, xóm, bản, làng và bằng uy tín của mình để tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình... Họ xứng đáng là những “hạt giống đỏ” của bản làng vùng cao.
Xuân Thống
.